top of page
Writer's pictureBạch Liên

Lòng Biết Ơn và Sự Tri Ân


“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” … là những câu tục ngữ quen thuộc thể hiện một truyền thống đạo lý được truyền từ đời này qua đời khác của con người Việt nam. Đó chính là nét đẹp của lòng biết ơn, một trong những phẩm chất vô cùng cao quý và ngời sáng những giá trị của lối sống thủy chung, của ân nghĩa.


Người có lòng biết ơn là người luôn biết ghi nhớ và trân trọng những gì người khác trao tặng hay để lại cho mình. Họ luôn biết trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị ấy trong cuộc sống. Mỗi một sự giúp đỡ ý nghĩa đều khiến họ cảm động và hàm ơn.


Trong xã hội, lòng biết ơn được biểu hiện bằng những nghĩa cử cao đẹp, phù hợp với các chuẩn mực đạo lí làm người. Tục thờ cúng ông bà tổ tiên thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của con cháu đối với các bậc sinh thành đã có công dưỡng dục chúng ta nên người. Đó là một nét đẹp văn hóa mà ít dân tộc nào trên thế giới có được.


Biết ơn người khác làm cho các mối quan hệ xã hội trở nên hiền hòa, ngày càng khăng khít, tốt đẹp hơn. Lòng biết ơn trở thành chuẩn mực nền tảng của đạo đức con người. Sống có lòng biết ơn là lối sống lành mạnh, tích cực, mẫu mực trong đời sống của chúng ta. Người sống có lòng biết ơn luôn được người khác yêu mến, trân trọng và giúp đỡ trong cuộc sống.


Như chúng ta đã biết, lòng biết ơn là sự ghi nhớ, tri ân là nét đẹp của lối sống coi trọng ân nghĩa đối với những người đã từng giúp đỡ mình. Lòng biết ơn được thể hiện qua rất nhiều hành động, việc làm cao đẹp vô cùng phong phú và đa dạng. Đó có thể là sự hiếu thảo đối với Mẹ Cha, là lòng thành kính đối với những người đã khuất qua những phong tục thờ cúng tổ tiên. Là sự tưởng nhớ công ơn của các vị vua Hùng qua ngày giỗ tổ, hay sự biết ơn đối với những bậc tiền nhân đã hy sinh vì độc lập tự do của đất nước ở bao đời, từ thời hai bà Trưng cho đến các triều đại Lê, Lý, Trần. Hay đó có thể là sự tri ân công ơn dạy dỗ của các thầy cô giáo thông qua ngày nhà giáo Việt nam 20 tháng 11.

Lòng biết ơn là một trong những truyền thống đạo lí của dân tộc ta, thể hiện rõ giá trị tinh thần hết sức tốt đẹp và sâu sắc. Nhờ sự khắc ghi và tưởng nhớ công ơn, những con người thế hệ sau sẽ luôn khắc ghi, tưởng nhớ đến công ơn của thế hệ cha anh đi trước, đồng thời biết trân trọng, nâng niu những gì đang có trong hiện tại. Bởi tất cả những thành quả mà chúng ta đang hưởng thụ đều không phải tự nhiên xuất hiện, mà đều trải qua quá trình lao động, sản xuất của người khác. Quá trình đó có thể thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và thậm chí chứa đựng những hi sinh, mất mát vô cùng to lớn và vĩ đại. Những hạt cơm, hạt gạo hết sức bé nhỏ mà hằng ngày chúng ta thưởng thức đã trải qua một quá trình chăm sóc, vun trồng tỉ mỉ "nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống", là sự "dãi nắng dầm mưa", "hai sương một nắng" tần tảo, vất vả của người nông dân. Lòng biết ơn còn là chuẩn mực để nhắc nhở con người về giá trị của gia đình, quê hương và cội nguồn.


Tuy nhiên, bên cạnh những người luôn cố gắng gìn giữ, phát huy lòng biết ơn, vẫn còn tồn tại những con người có lối sống đi ngược lại với những giá trị tốt đẹp của dân tộc, thể hiện qua việc lãng quên quá khứ, sống bội bạc, vong ơn phụ nghĩa. Đâu đó trong xã hội này, chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp những người con bất hiếu buông lời xúc phạm và ngược đãi bố mẹ. Thậm chí có những người sẵn sàng phản bội những người từng giúp đỡ mình để thỏa mãn lòng ích kỉ hay sự đố kị, ghen ghét…Đó là những hành động, thái độ sống đáng bị lên án, phê phán bởi họ đã lãng quên đi cội nguồn sinh thành, nuôi dưỡng. Có một câu tục ngữ như thế này: “Đáy biển tuy sâu nhưng người đời đo được. Lòng người tuy ngắn nhưng chẳng ai đo được bao giờ”.


Để gìn giữ và phát huy lòng biết ơn, chúng ta cần ghi nhớ, tôn vinh, trân trọng những điều được tạo nên từ cội nguồn, quá khứ như những giá trị tinh thần, văn hóa tốt đẹp. Đồng thời, tích cực tham gia vào các phong trào đền ơn đáp nghĩa bằng những hành động cụ thể và thiết thực; có thái độ lên án, phê phán mạnh mẽ đối với lối sống vô ơn, bội bạc.


Như vậy, lòng biết ơn là một trong những biểu hiện tốt đẹp của lối sống thủy chung và là lẽ sống cao đẹp cần được phát huy, vun đắp hơn nữa trong cuộc sống hiện nay. Lòng biết ơn là lời cảm ơn phát xuất từ lòng chân thành, trân trọng những gì ta có, ngay cả những niềm vui nhỏ bé; và là lòng cảm tạ với tất cả những gì ta được nhận.


Dù hoàn cảnh đôi khi khó khăn, song vẫn luôn có điều gì đó trong cuộc sống đáng cho ta cảm ơn. Điều đó có nghĩa rằng ta sống cuộc sống của mình nhờ mọi thứ thật kì diệu hỗ trợ ta, và luôn tự nhắc nhở mình là đã nhận bao nhiêu điều từ cuộc sống này. Mỗi một ngày được sống đều là phúc lành và từng khoảnh khắc đều mang lại nhiều điều ta cần tạ ơn. Cuộc sống sẽ mở cho ta nhiều cánh cửa khi ta có lòng biết ơn cuộc sống. Lòng biết ơn chuyển sự tập trung của ta từ những gì cuộc sống của ta đang thiếu sang cái ta dư thừa, là những thứ vẫn đang hiện hữu. Nói lời cảm ơn có thể khiến mọi người quanh ta hạnh phúc hơn và vui vẻ hơn, nó củng cố các mối quan hệ, cải thiện sức khỏe và giảm thiểu stress.

Về bản chất, lòng biết ơn cũng như quả bóng tuyết, càng lăn xa càng lớn thêm. Khi ta trân trọng và thể hiện lòng biết ơn cuộc sống, cuộc sống sẽ tươi sáng hơn và mang cho ta thêm nhiều phúc lành. Một trong những thái độ sống bị phê phán nhiều hiện nay đó là tính cách: “Ăn cháo đá bát - Qua cầu rút ván - Được cá quên nơm …” mà kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam đã nêu ra để minh họa cho một tính cách khá phổ biến trong xã hội hiện nay, đó là sự vô ơn! Tại sao? Do tính tự cao trong mỗi con người, nhất là khi mình có một năng lực hay quyền lực nào đó thì sẽ cho là mình có thể làm mọi thứ, không cần sự giúp đỡ của ai hay thậm chí còn cho rằng đó là sự khôn ngoan biết lợi dụng kẻ khác của mình.


Đôi khi, sự vô ơn bắt nguồn từ bé khi còn ở trong gia đình. Trong nhà thì con cái có thể suy nghĩ là việc mua sắm trang bị các tiện nghi vật chất của bố mẹ dành cho mình là một điều dĩ nhiên phải có, đâu cần có lời cám ơn! Thậm chí khi đạt được một kết quả nào đó như thi đậu, được bằng khen.. thì phải được bố mẹ tưởng thưởng bằng một hiện vật có giá trị cao và đó là trách nhiệm của bố mẹ! Không việc gì phải cảm ơn! Để rồi khi bước ra ngoài xã hội, thì trẻ lại nhìn mọi thuận lợi đến với mình như một sự tình cờ hay may mắn! Tình cờ gặp được một người chỉ giúp mình đường đi, tình cờ ngồi cạnh một người bạn giỏi toán và được hướng dẫn giải bài tập ngon lành, như thế đâu cần phải cám ơn ai! Cuối cùng, đỉnh cao của sự vô ơn chính là những Đòi Hỏi Bất Tận của những đứa “con cưng”. Có cái áo đẹp thì phải có đôi giày hợp mốt, có cái máy tính thì lại đòi cái điện thoại iphone …

Một hình thức khác của sự vô ơn đó là khi đã được giúp đỡ, đa phần người ta thường tìm cách biện minh, nhằm tránh phải mang ơn, chẳng hạng như: “ôi cô ta tiền thiếu gì, giúp mình có bao nhiêu đây chẳng bỏ vào đâu”, hay “ anh ta giúp tôi bởi vì đó là tiền chùa”, hay tệ hơn nữa là phủi ơn, không bao giờ chấp nhận rằng người ta đã giúp đỡ mình, và tự tạo cho mình một vỏ bọc cần cù giỏi giắn và tự mình làm nên, phủi sạch những ân tình mà người đã ở cạnh mình những lúc gian khó.

Con người dù ở thời đại nào, nền văn hóa nào thì cũng coi trọng ân nghĩa, bất luận Đông, Tây, hay Âu Á. Kể cả một số loài vật có trí khôn cũng biết ơn khi ta làm điều tốt cho nó. Mang ơn thì phải trả ơn, đó là điều quá đỗi hiển nhiên. Nhưng gần đây, Jenny khi tìm tư liệu để cho bài viết này, thì Jenny có đọc được một câu đó là: “Thi ân mạc niệm, thọ ân mạc vong”, và Jenny rất lấy làm ngạc nhiên. Bỏi đây là câu nói mà cổ nhân đã dạy, và người xưa thì chịu ảnh hưởng rất lớn từ tư tưởng Nho giáo, lấy Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín làm chí lập thân. Vậy thì cớ sao ông bà ta lại để lại cho con cháu một lời dạy thật là chua chát đến như vậy?


Thưa quí vị, “Thi ân mạc niệm”, tức là mình làm ơn cho ai thì mình nhớ rất rõ. Quả đúng vậy! Có đôi khi mình làm ơn một cách hết sức tự nhiên mà không cần ai đền đáp, nhưng mình vẫn nhớ rất rõ mình đã giúp ai điều gì. Và mặc dù mình không cần đền đáp, nhưng một tiếng cảm ơn cũng không nhận được sẽ làm mình khó chịu và hụt hẫng ghê lắm. Còn giả như người ta hoàn toàn trở mặt không nhận đã mang ơn mình thì điều đó lại càng thực sự làm mình nổi giận hơn! Vì sao? Thưa quí vị đó là: “Thi ân mạc niệm.”


Nói đến đây Jenny chợt nhớ đến một lời nói của Jésus: “Khi làm điều gì cho ai bằng tay phải thì đừng để tay trái biết”. Có lẽ đó là cách để ta đừng quá kiêu ngạo chăng? Phật cũng có đề cập đến chuyện này khi nói: vì thương người mà bố thí nhưng còn thấy có người bố thí và người được bố thí, đó là cái hạnh của La Hán. Bố thí mà không thấy có người bố thí và kẻ nhận của bố thí, đó là cái hạnh của Bồ Tát. Nhưng bố thí không vì thương cũng không vì lợi, tự nhiên như hơi thở, vào ra không vướng bận, đó là cái hạnh của Phật vậy. Thế mới biết dù là ai, ở đâu, khi đã bắt đầu đạt đến trạng thái “ngộ” rồi thì có lẽ cũng đều trở về cùng một tư tưởng Nhất Thể, Đông cũng như Tây. Câu “Thi ân mạc niệm” xin dừng ở đây, nói nhiều đâm ra sa đà tiểu tiết, mất hay đi.

Còn câu nói: “Thọ ân mạc vong”, tức là mang ân người thì hay sinh lòng bội phản ! chà…, câu này sao nghe chói tai quá sức. Có ai trên đời này lại muốn làm kẻ vong ân bội nghĩa, vắt chanh bỏ vỏ, ăn cháo đá bát không nhỉ? Chắc chắn không rồi. Nhưng cũng xin thú thực với mọi người, Jenny đây đôi khi nghĩ, vắt chanh không bỏ vỏ thì để lại sẽ đắng lắm. Ngẫm cho kỹ thấy cũng có điều đúng. Khi mình nhờ ai đó làm gì giúp mình, hay mượn tiền, mượn đồ thì khi trả mình sẽ kèm theo tiếng cảm ơn, đó là điều tự nhiên của một người có văn hóa, sống có tình có nghĩa. Nhưng đó là những việc nhỏ có thể trả lại, hãy nói đến những cái ơn lớn hơn khó mà trả. Bởi chẳng thể trả dứt được, ta luôn mang cái ơn đó trong lòng, và lắm khi chính cái ơn đó làm tâm hồn ta bị đè nặng. Đến khi không chịu được nữa ta sẽ tìm mọi cách để quên nó đi. Jenny không nói là ai cũng vậy, nhưng trên đời này không thiếu kẻ như vậy. Và đó là một điều sai, một suy nghĩ sai vô cùng, cho dù biện minh như thế nào đi chăng nữa.


Câu nói “Đừng đòi hỏi đất nước đã làm gì cho mình, mà hãy tự hỏi mình đã đóng góp gì cho đất nước”, đó là câu nói nổi tiếng của tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy cho thấy con người phải sống với sự biết ơn mới có thể giúp cho xã hội phát triển. Những người vô ơn giống như kẻ sống trên hoang đảo. Đó là một người cô đơn, một người tự xây bức tường thành cao và kiên cố vây quanh mình, vô cảm trước bất cứ mối tương quan nào. Ngoài ra, họ cũng lạ lẫm với chính mình nữa, vì họ đã từ chối sự biết đến người khác. Còn người biết ơn là người mở rộng vòng tay. Một người luôn tôn trọng người khác và quý trọng những gì người khác đã trao ra cho mình, đã giúp đỡ cho mình những lúc mình khó khăn nhất. Thực sự lòng biết ơn là một nhịp cầu để người đến với người. Lòng biết ơn làm nảy sinh một bầu không khí yêu thương, một tinh thần chung sức với nhiều cảm thông và sẵn sàng chia sẻ

trong gia đình. Có thể nói một gia đình có văn hóa là nơi mà mọi người biết nói lời cám ơn và xin lỗi.


Một xã hội văn minh là nơi mà mọi người biết xin lỗi từ những chuyện nhỏ nhặt mà mình đã gây ra cho người khác và biết cám ơn nhau từ những điều hết sức bình thường trong các mối quan hệ ứng xử. Vì thế, ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta hãy dạy trẻ nói tiếng cám ơn và xin lỗi. Cách dạy hiệu quả nhất, đó là chính chúng ta hãy biết nói lời cám ơn và xin lỗi đối với trẻ về những gì mà trẻ đã làm cho mình và những sai lầm hay thiếu sót mà ta đã gây ra cho trẻ. Thể hiện lòng biết ơn là tạo cho ta cơ hội thiết lập được mối quan hệ lâu bền với những người xung quanh. Chính những mối quan hệ đó sẽ giúp cho cuộc đời của chúng ta tốt đẹp hơn.

Người ta thường nói: “Phía sau sự thành công của một người đàn ông có bóng dáng của phụ nữ”. Điều đó nhắc chúng ta nhớ, chớ nên phụ bạc người vợ, người yêu, người đã từng vì mình đồng cam cộng khổ, họ sẵn sàn một lòng một dạ chịu thiệt về bản thân, để luôn ở bên khích lệ, gian khổ có nhau, hy sinh tất cả chỉ để ủng hộ chồng được thành công trong sự nghiệp… và phía sau sự trưởng thành của mỗi người chính là công lao trời bể và những hi sinh thầm lặng của đấng sinh thành. Tôi tin chắc rằng bố mẹ chính là những hình ảnh đẹp đẽ, thiêng liêng nhất trong trái tim của mỗi người con.Thế nhưng trong cuộc sống vì ngại ngùng chúng ta lại không hay biểu lộ tình cảm, sự trân trọng ấy với bố mẹ. Cho nên, ngay từ bây giờ, hãy làm tất cả những gì mà mình có thể để bày tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ, đối với người bạn đời của mình, hay với những người đã hết lòng giúp đỡ ta mới có được ngày hôm nay.


Ông bà ta thường có câu: “có đức mặc sức mà hưởng”. Vì thế, xin đừng quá buồn lòng khi mình giúp đỡ người ta mà người ta không một lời cảm ơn, bởi cái phúc của mình sẽ được ghi nhận và được đáp đền xứng đáng, có thể là mình chưa được hưởng, nhưng phúc đức ấy sẽ linh ứng lên đời con cháu của mình, chẳng đi đâu xa, người ta thường nói câu: “Thi ân bất cầu báo” là vậy.



Jenny Phan - Vo

Holistic Nutritionist

12,213 views1 comment

1 Comment


Alex Nguyen
Alex Nguyen
Jan 31, 2020

Thank you

Like
bottom of page